Các Danh nhân lịch sử Quảng Bình-Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh


Lịch sử Việt Nam đã có nhiều danh nhân làm rạng danh non sông đất nước.Mảnh đất Quảng Bình đã sinh ra những anh hùng cả về mặt quân sự và văn hóa như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà thơ Hàn Mạc Tử, Nhà thơ Lưu Trọng Lư, Trương Xán.

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh:

- Ông còn có tên là Nguyễn Hữu Kính, sinh năm 1650, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thiện, anh trưởng của ông là Nguyễn Hữu Hào, cũng là một võ tướng của chúa Nguyễn.

- Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh hay Nguyễn Hữu Kính (1650–1700?) là một tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn-Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, Sài Gòn-Gia Định chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Năm Mậu Dần 1698, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược phía Nam. Ông đã lập Gia Định phủ, huyện Phước Long, dựng dinh Phiên Trấn và đặt các chức vị quản trị... Do công cuộc này, ông được coi là người đặt nền móng cho công cuộc mở đất phương Nam: chiêu dân, lập ấp, thiết lập nền hành chánh cai trị và gìn giữ biên cương.

Bên cạnh đó, đã chọn vùng Sài Côn (Sài Gòn) làm trung tâm cho cả vùng đất mới, giao điểm giữa các tuyến đường giao thông sông biển, nối liền cả dãy Trường Sơn và vùng bình nguyên phía Tây, tiện lợi cho cả việc định cư sinh hoạt của nhân dân, là trọng điểm không chỉ về kinh tế mà còn cả đến việc điều binh, trấn áp hoặc chi viện kịp thời mọi cuộc binh biến vùng biên cảnh phía Tây

-Theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì vào năm Mậu Dần (1698), chúa Hiến Tông Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Trấn thủ Bình Khương (hay Bình Khang, nay là Nha Trang) là Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mà chúa đã chỉ định cho bọn Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình, các di thần nhà Minh không chịu thần phục tân triều nhà Thanh, đem 3.000 hàng quân cùng gia quyến và 50 chiến thuyền đến cư trú, xin làm dân Đại Việt.

- Vùng đất này ngày ấy bao gồm từ khu vực Cù lao Phố (nay thuộc Biên Hòa) đến Mỹ Tho. Giữa vùng này có các đồn binh trấn giữ, làm luôn nhiệm vụ thu thuế thương chánh cho cả vùng này. Lúc bấy giờ nơi này đã được khoảng 40.000 hộ, bao gồm cả người bản địa và lưu dân (người Việt, người Hoa, người Khmer).

- Khi vào đến nơi, Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, "lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai là huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền.

Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch"- Ông tâu chúa Nguyễn điều thêm dân từ miền Trung vào khai hoang, người Việt kéo vào rất đông.

Bởi vậy Đàng Trong truyền tụng những câu:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

hay:

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng tường
- Năm 1699, rộ lên nhiều vụ đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long. Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh đem quân dẹp loạn. Gần cuối tháng 4 năm 1700, tình hình tạm yên, Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sách gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc - sau này dân địa phương gọi Cù lao Ông Chưởng, ở Chợ Mới, An Giang), báo tin thắng trận về kinh.

- Theo Gia Định thành thông chí, ở đây một thời gian ông bị "nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng.

Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất. Khi ấy chở quan tài về tạm trí ở dinh Trấn Biên, rồi đem việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc, sắc tặng là Hiệp tán Công thần, thụy là Trung Cần, hưởng 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ, được mạng danh là Cù lao ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ".Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhân dân lập nhiều đền thờ ông.



- Trong các sách Hoàn vũ ký, Nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên, Nam Kỳ địa chí... đều có ghi rõ những nơi lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (có nơi gọi "từ đường", có nơi gọi "đền", có nơi gọi "dinh"). Quyển Sử Cao Miên của Lê Hương (Khai Trí xb, 1970) có lời chua dưới một bức ảnh: "Đền thờ ông Nguyễn Văn Thụy (Thoại) vị đại thần Việt Nam bên cạnh vua Cao Miên trong thời kỳ Việt Nam bảo hộ nước này. Đền thờ cất gần Chợ Mới (Phnom Penh) bị bắt buộc phải triệt hạ vào năm 1956".

Tuy nhiên, đây thực sự là đền thờ của Nguyễn Hữu Cảnh, vì bức ảnh cho thấy rõ tấm biển ở cổng ghi là Thượng đẳng thần và trong một số tài liệu lịch sử cũng ghi Nguyễn Hữu Cảnh có đền thờ ở Cao Miên. Theo Đại Nam nhất thống chí thì "Đền Lễ công: ở thôn Chu Phú, huyện Tây Xuyên, thờ Nguyễn Hữu Kỉnh. Đền do Nguyễn Văn Thụy (tức Thoại Ngọc Hầu) dựng khi làm Trấn thủ, nay hương lửa vẫn như cũ, thường tỏ anh linh".

- Tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, có ít nhất ba đền thờ tọa lạc tại các xã dọc theo con sông mang tên (chức) ông. Đó là các đền thờ tại xã Kiến An, tại thị trấn Chợ Mới (gần "Vàm Trước"), và tại đình Long Kiến (dinh thờ và đình cũ lúc trước đều dựng ở hai bên đầu "Vàm Dưới" sông ông Chưởng, do bị đất lở sụp nhân dân dời đình và dinh vào trong và nhập lại làm một) - đây là di tích do nhân dân dựng lên thờ ông sớm nhất ở An Giang.

Về đền thờ tại đình Long Kiến, Đại Nam nhất thống chí có ghi: "Lại ở bãi Cây Sao giữa sông Hậu Giang, là chỗ trước kia Lễ Thành Hầu thắng trận, trở về đóng ở đây. Sau khi chết, dân bãi lập đền thờ".- Cũng tại huyện Chợ Mới, có một cù lao được nhân dân địa phương đặt tên là cù lao ông Chưởng và một con rạch lớn gọi là lòng ông Chưởng. Nhiều đền thờ ông đến nay vẫn còn ở nhiều nơi như Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc, Thành phố Hồ Chí Minh...

- Văn thơ ca ngợi, truyền tụng công đức Nguyễn Hữu Cảnh còn lưu giữ khá nhiều:Từ ngày vâng lịnh Trấn Bình Khương, Bờ cỏi mở thêm mấy dặm trường, Vun bón cột nền nơi tổ phụ Dãi dầu tên đạn giúp quân vương Giặc ngoài vừa nép bên màn hổ Sao tướng liền sa giữa giọt tương! (Bài thơ đặt nơi sắc phong tại đền Châu Phú)

- Khi vào kinh lược Đồng Nai, Nguyễn Hữu Cảnh chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai đặt làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và lấy Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Sài Gòn). Hữu Cảnh đặt tên Phước Long và Tân Bình đều có dụng ý. Phước Long vốn là tên làng nơi ông sinh ra và Tân Bình cũng là tên một huyện ở Quảng Bình.

- Hai chữ Tân và Bình mà ông đặt tên huyện theo quê hương ông, về sau được dùng đặt tên cho nhiều vùng đất ở Nam Bộ. Nhiều thôn, xã, phường thuộc hai tổng Bình Dương và Tân Long có những chữ này như: Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Triệu, Bình Hoà, Bình Chánh, Bình Điền, Bình Phước, Tân Định, Tân Thuận, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Mỹ, Tân Phước...